Trong quá trình làm việc, chúng tôi đã chứng kiến nhiều hồ sơ giả mạo, từ thông tin đến bằng chứng, đôi khi cả con người cũng không thật nên LSQ sẽ sẵn sàng từ chối cấp visa cho những hồ sơ bảo lãnh nếu đương đơn hoặc người bảo lãnh không thể chứng minh được mối quan hệ của họ hoặc của gia đình.
Hỏi:
Cả nhà em được ông ngoại em làm hồ sơ bảo lãnh đi Mỹ theo diện cha mẹ bảo lãnh con cái đã có gia đình. Hồ sơ kéo dài hơn 10 năm, sau đó được gọi đi phỏng vấn, nhưng sau đó hồ sơ không được duyệt. Cả nhà em rất buồn và hoang mang, cũng chẳng biết phải làm gì tiếp theo và hỏi ai. Nhưng cách đây 3 tháng, ông ngoại gọi về nói là gia đình em gian dối chuyện gì đó. Nhà em cũng ngạc nhiên vì không hề biết có chuyện gì. Sau đó, cả nhà em bình tâm suy xét lại vấn đề thì nhận ra rằng có lẽ lúc đi phỏng vấn, ba mẹ em không có giấy hôn thú nên người ở Lãnh sự quán đã không chấp nhận. Sở dĩ có điều này là vì trước đây do vô ý ba mẹ em đã làm mất nhiều giấy tờ trong đó có cả giấy hôn thú bản gốc. Sau đó khi hỏi để cấp cái mới thì nhân viên lại nói là phải li dị thì mới cấp lại bản mới được. Do đó, cả ba mẹ em đều để từ từ vì nghĩ không cần thiết. Để sau này khi có giấy phỏng vấn mới thấy cần thiết.Gia đình em đã đợi hơn 10 năm để được đoàn tụ cùng ông bà ngoại. Xin luật sư cho em hỏi bây giờ nhà em phải làm gì để có thể đoàn tụ với ông bà ngoại?
Đáp:
Trong quá trình làm việc, chúng tôi đã chứng kiến nhiều hồ sơ giả mạo, từ thông tin đến bằng chứng, đôi khi cả con người cũng không thật nên LSQ sẽ sẵn sàng từ chối cấp visa cho những hồ sơ bảo lãnh nếu đương đơn hoặc người bảo lãnh không thể chứng minh được mối quan hệ của họ hoặc của gia đình.
Trong trường hợp gia đình bạn, cho dù gia đình bạn đã có thể chứng minh được mối quan hệ cha con giữa người bảo lãnh và đương đơn, và ngay khi ba mẹ của bạn đã có một hoặc nhiều con chung nhưng vì họ đã không thể cung cấp lời khai nhất quán và không có bằng chứng về hôn nhân thì LSQ vẫn từ chối hồ sơ của gia đình bạn.
Để giúp gia đình bạn khiếu nại quyết định từ chối visa từ phía LSQ, việc đầu tiên cần làm là yêu cầu ông ngoại gửi bản copy thư từ chối về cho gia đình bạn, vì điều này sẽ giúp gia đình bạn hiểu rõ hơn lý do từ chối visa. Từ đó, tìm hiểu các lý do từ chối thì gia đình bạn sẽ giúp ông ngoại khiếu nại, vì chỉ có người bảo lãnh mới có thể khiếu nại. Gia đình bạn cần chuẩn bị những thông tin và bằng chứng để chứng minh cho USCIS và Lãnh sự quán thấy rằng hồ sơ của gia đình bạn không giả mạo và đáng được cấp visa.
Theo như những nội dung bạn cung cấp, chúng tôi thấy được lý do từ chối là ba và mẹ bạn không có hôn thú. Do vây, gia đình bạn có thể cung cấp thông tin là ba mẹ bạn đã từng sống chung với nhau từ nhiều năm trước ngày phỏng vấn và mối quan hệ vợ chồng có thể chứng minh được bằng [những] người con chung, và ba mẹ và bạn sẵn sàng xét nghiệm máu để chứng minh huyết thống cha con và mẹ con. Điều này sẽ phần nào chứng minh được rằng ba mẹ bạn có mối quan hệ. Ngoài ra bạn cố gắng tìm lại sổ gia đình, hộ khẩu cũ, hình ảnh chụp chung gia đình, và học bạ của [các] con sẽ có tên cha và mẹ từ nhiều năm trước ngày phỏng vấn. Nếu gia đình bạn theo đạo Công Giáo thì Sổ Gia Đình Công Giáo cũng sẽ ghi rõ ngày ba mẹ bạn đã lập hôn phối và tên của [các] con.
Khi đã có những bằng chứng cụ thể chứng minh về mối quan hệ vợ chồng, người bảo lãnh (ông ngoại bạn) sẽ hoàn tất đơn EOIR-29 cùng với những bằng chứng này và một lá thư giải trình gửi đến USCIS hoặc Trung Tâm Thị Thực Quốc Gia (NVC). Nếu gia đình bạn chưa chuẩn bị kịp những bằng chứng thuyết phục thì cứ nộp đơn EOIR-29 rồi bổ sung những bằng chứng sau. Mục đích là gia đình bạn phải nộp đơn EIOR-29 trước thời hạn 30 ngày kề từ khi hồ sơ bị từ chối.